Ngoài sự kiện mua lại Nhà máy cà phê Sài Gòn của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) rầm rộ vừa qua, cả Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên của anh khá im ắng trong những năm gần đây. Có chợt nhớ đến, nhiều người cũng “chép miệng” cho rằng “thời” của Trung Nguyên đã qua. Thời của hôm nay là các công ty tài chính đình đám, những đại gia chứng khoán hay những vụ mua máy bay triệu đô. Ít ai biết rằng, đằng sau sự im ắng đó, Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang từng bước tiến dần đến mục tiêu “Thủ phủ cà phê toàn cầu” mà anh ấp ủ.
Từ gia tăng số lượng cà phê/người
Việc mua lại nhà máy cà phê của Vinamilk cũng nằm trong kế hoạch thống lĩnh và xây dựng thương hiệu số 1 về cà phê tại thị trường nội địa của Trung Nguyên. Đó là lý do, Đặng Lê Nguyên Vũ đã chủ động đi gặp bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk để sang nhượng Nhà máy cà phê Sài Gòn của Vinamilk. Nhưng “số 1” của Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ là về thị phần. Nó còn là quan điểm về cà phê, về chuyện người uống “cảm” được, gửi gắm được điều gì qua ly cà phê của Trung Nguyên. Và một nhiệm vụ thực tế hơn là nâng tỷ trọng cà phê trên đầu người của Việt Nam. Vì theo điều tra, hiện mức tiêu thụ cà phê/đầu người tại Việt Nam khá thấp so với thế giới. Cụ thể, tại Việt Nam là 0,7 kg/người/năm trong khi mức trung bình của thế giới là 4 - 5 kg/đầu người/năm, còn tại khu vực Bắc Mỹ lên tới 12 kg/người/năm.
Tỷ lệ khiêm tốn trên cho thấy, thị trường nội địa còn hết sức tiềm năng. Đặng Lê Nguyên Vũ nói, nếu không là số 1 tại Việt Nam, không đặt được nền móng vững chắc từ chính thị trường nội địa, không được sự ủng hộ của người tiêu dùng, của Nhà nước thì khó nói đến chuyện đi ra ngoài thế giới. Đó là lý do nhiều năm nay, dù đã là thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam nhưng Trung Nguyên vẫn luôn trăn trở với giấc mơ của mình tại thị trường nội địa.
Đến giấc mơ chinh phục Mỹ
Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì ngày mai, Đặng Lê Nguyên Vũ cùng với các chuyên gia, những nhà tư vấn hàng đầu thế giới và trong nước sẽ lên máy bay sang Mỹ để thành lập Công ty Trung Nguyên ở Mỹ.
Để đến được chuyến đi này, Trung Nguyên đã mời Công ty tư vấn Bain & Company sang Việt Nam 6 tháng trời vạch chiến lược, đường đi, nước bước cho việc thâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Kế hoạch này cũng đã được Trung Nguyên thai nghén và chuẩn bị gần 2 năm trước đó. Chúng tôi đã xem chồng hồ sơ từ phác thảo đến chi tiết về chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ. Từ thói quen uống cà phê của người Mỹ, các thương hiệu đã có mặt, thị phần của các thương hiệu này, cách thâm nhập và tồn tại của họ trên đất Mỹ... đến những “ngõ ngách” trống mà Trung Nguyên có thể tiến vào.
Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, cà phê Trung Nguyên hiện đã có mặt ở gần 50 quốc gia trên thế giới. Tại những nước trong khu vực châu Á, cà phê Trung Nguyên có mặt trong khắp các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ... Tuy nhiên, muốn thuyết phục thế giới thì phải chinh phục thị trường Mỹ. Văn phòng ở Mỹ và Singapore sẽ điều phối cà phê Trung Nguyên trên toàn cầu bởi Mỹ chính là “sân chơi” của những ông lớn trên thế giới.
Và Thủ phủ cà phê toàn cầu
Đó là cái kết trong giấc mơ cà phê của Đặng Lê Nguyên Vũ. Xây dựng một thủ phủ cà phê toàn cầu tại Đắk Lắk để thu hút những tín đồ cà phê trên toàn thế giới về đây. Sẽ có nhiều người cho rằng đó là ảo tưởng, là “nổ” nếu nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói về một Đắk Lắk với vai trò là một “đặc khu kinh tế xanh”, chọn Buôn Ma Thuột làm “thủ phủ cà phê toàn cầu” và xây dựng “thánh địa cà phê” với mục tiêu “quyến rũ” những tín đồ của cà phê thế giới đến mà theo anh, lên tới 2 tỉ người. “Khi đó, chỉ du lịch thôi cũng đủ để Đắk Lắk trở nên hùng mạnh” - Đặng Lê Nguyên Vũ nói. Nhưng bất chấp tất cả, anh vẫn miệt mài với kế hoạch của mình. 7 năm nay, Đặng Lê Nguyên Vũ “tha” từng cây đá basalt để chuẩn bị cho công trình của mình.
Đến nay, đá đã chất thành núi và anh vẫn đang lên kế hoạch xin khai thác các mỏ đá để phục vụ công trình này. Trung Nguyên cũng đã hoàn tất mua bảo tàng cà phê hàng trăm tuổi của Đức mang tên Burg’s Kaffee Rosterai. Hơn 10.000 hiện vật của bảo tàng này đã được chở về Đắk Lắk để chờ ngày “dụng võ”. “Jens Burg, chủ bảo tàng tiếp nhận cửa hàng cà phê từ cha ông và điều hành 40 năm nay. Ông đã biến cửa hàng của mình thành một bảo tàng với chảo rang cà phê bằng than nhỏ nhất, cối xay, tách cà phê, những dụng cụ chuyên ngành, nhãn hiệu quảng cáo xưa... tất cả đều có ở đây. Người yêu cà phê có thể tìm thấy tại đây 24 loại cà phê nguyên chất và 60 loại cà phê tẩm hương vị khác nhau. Nhưng thế hệ sau, con cái của ông không còn niềm say mê như ông. Khi gặp Trung Nguyên, ông nhượng lại vì cảm được giấc mơ cà phê của chúng tôi. Đó là cái duyên” - Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Trần Tuấn - abviet theo Thanh Niên online
game thuan viet